Cuộc đời Quách_Thánh_Thông

Xuất thân

Hoàng hậu Quách Thánh Thông không rõ sinh năm nào, sử sách ghi lại bà xuất thân từ một gia tộc hiển hách tại Cảo huyện, Chân Định (真定; nay là Cảo Thành thuộc thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc). Gia tộc của họ nội bà là hậu duệ của nước Quách thời cổ đại, nhiều đời là địa chủ.

Cha bà là Quách Xương (郭昌), là địa chủ lớn tại Chân Định, đã từng đem mấy trăm vạn điền trạch tài sản nhường cho dị mẫu đệ đệ, bởi vậy đã được người trong quận tán dương đức độ. Mẹ bà là Lưu thị, Chân Định vương tộc xuất thân, con gái của Chân Định Cung vương Lưu Phổ (劉普), hậu duệ hoàng gia Tây Hán, xem như là một hậu duệ thế hệ thứ sáu của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Khi Lưu phu nhân kết hôn với Quách Xương, bà được gọi là Quách chủ (郭主), sinh ra Quách Thánh Thông cùng con trai Quách Huống (郭況). Quách Xương qua đời sớm, Quách Chủ nuôi dạy 2 con, dù là hậu duệ hoàng thất song bà vẫn giữ gìn tiết kiệm, được gọi là "Có mẫu nghi chi đức"[1].

Sau cái chết của Lưu Phổ năm 7 TCN, người cậu của Quách Thánh Thông, cũng là anh cả của Quách chủ là Lưu Dương (劉楊) thừa hưởng tước Chân Định vương. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, ông bị giáng chức tước, và năm sau, giáng chức thành một người bình thường.

Vào khoảng năm 23, nhà Tân của Vương Mãng đổ nát, Lưu Dương tăng cường nổi loạn. Hán Canh Thủy Đế Lưu Huyền lập nên triều đình của riêng mình tại Lạc Dương. Gia tộc họ Lưu có danh tiếng, quyền lực cha truyền con nối tại Chân Định, nhiều người quy phục theo Lưu Dương, và sau đó ông đã giành lại tước hiệu Chân Định vương. Lưu Dương trấn giữ Chân Định, có 10 vạn quân và ảnh hưởng rất lớn đối với cục diện Hà Bắc.

Kết hôn với Lưu Tú

Lưu Tú là dòng dõi xa của nhà Hán và từng tham gia Khởi nghĩa Lục Lâm chống lại chính quyền Vương Mãng. Sau đó, Lưu Tú đã ly khai khỏi chính quyền mới của Lục Lâm và tiếp tục khởi nghĩa chống Vương Mãng, tiêu diệt các thế lực cát cứ khắp nơi.

Năm Canh Thủy thứ 2 (24), để củng cố lực lượng quân đội trong chiến dịch tiêu diệt Vương Lang, nhờ sự thuyết phục của Lưu Thực, một người cùng khởi nghĩa chống Vương Mãng cùng với Lưu Tú, Chân Định vương Lưu Dương đồng ý gả người cháu gái là Quách Thánh Thông cho Lưu Tú để liên quân. Sử sách gọi việc này là "Lưu Tú lấy vợ mượn quân". Khi đó, Lưu Tú đã kết hôn với người vợ đầu là Âm Lệ Hoa, cả 2 người quen biết từ thuở thiếu thời và cùng sinh trưởng tại quận Nam Dương (gần tương ứng với Nam Dương, Hà Nam ngày nay) nên tình cảm rất đỗi sâu đậm.

Năm Canh Thủy thứ 3 (25), Lưu Tú thống nhất toàn thiên hạ với danh nghĩa kế tục nhà Hán. Ông đăng cơ là Hoàng đế, tức Hán Quang Vũ Đế, đổi niên hiệu là Kiến Vũ, lập ra triều đại nhà Đông Hán kéo dài gần 200 năm. Nguyên phối Âm lệ Hoa của Quang Vũ Đế, cùng với Quách Thánh Thông cũng cùng một cấp phong làm Quý nhân[2], nhưng Lưu Tú vẫn ý vị tấn phong anh cả Âm Thức của Âm Lệ Hoa làm Âm Hương hầu (陰鄉侯), cố ý để địa vị nhà họ Âm cao hơn nhà họ Quách[3]. Năm đó, Quách Thánh Thông sinh cho ông con trai đầu lòng là Lưu Cương.